Gạo Ra Dư

Chắt chiu nét tinh túy của lúa nương đất dốc nên dẻo thơm đến từng hạt cơm. Ngậm ngàn vạn giọt sương trời nên mới cho đời hương vị ngọt như dòng sữa non của mẹ trong mỗi bát cơm khiến chúng tôi ăn hoài không biết chán, hương vị ấy được lưu giữ suốt bữa ăn cả đến khi cơm nguội. Đó là bát cơm được nấu từ gạo Ra Dư của người Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ gạo đặc sản truyền thống từ xa xưa thường chỉ dành cho các chàng rể về thăm bố mẹ vợ, dành để cúng Yàng và thi thoảng mới đem thiết đãi khách quý của cộng đồng.

DSC_0502

Lúa Ra Dư gieo trên đất hoa màu

Lúa gạo là biểu tượng của văn minh, biểu lộ sự hiện diện của con người trong cuộc sống. Quá trình canh tác gắn với đời sống văn hóa thiêng liêng. Riêng cây lúa rẫy không chỉ là cây lương thực chủ lực mà còn là cây lương thực linh hiển, luôn có một vị thần ngự trị trong tâm thức của cư dân Tà Ôi, Cơ Tu, Paco.
Theo truyền thuyết các già làng kể lại. Ra Dư sinh ra từ quả trứng đá chàng Pút con của nhà trời giao cho vợ là nàng Tưr trước khi đi xa. Quả trứng được chôn xuống đất mọc lên một cây như cây bầu, thân cây leo khắp triền núi triền sông. Mùa người dân tuốt lúa về thì cũng là khi cây này chín. Khi Nàng Tưr đập quả thì bất ngờ chảy ra vô vàn là lúa. Vì nhớ thương chồng nên nàng Tưr đem gạo ra nấu ở triền sông. Nấu chín, gạo thơm khói tỏa chàng mới hiện về. Dân làng biết ơn chàng từ đó mới có cái tên Ra Dư nghĩa là gạo dành cho chàng rể.

Gạo dành cho chàng rể được trồng trên vùng đất cạn, thường là lưng chừng núi chủ yếu thuộc địa phận xã Hồng Thủy, Hồng Quảng và xã Nhâm A Lưới. Trong quá trình trồng, trỉa, gom thóc người dân tổ chức 3 lần cúng. Để trồng lúa, ngay từ khi phát rẫy người dân đã phải báo cho chủ làng để cúng thần đất.

Đồng bào chọn chỗ đất dày có nhiều chất dinh dưỡng để trỉa hạt. Thời gian từ khi trỉa đến khi thu hoạch lúa Ra dư khoảng 3 tháng, mỗi năm chỉ làm có duy nhất một vụ. Những khoảng lúa đẹp như một bức tranh sặc rỡ giữa đại ngàn Trường Sơn. Lúa Ra Dư không chỉ quý hiếm bởi có truyền thuyết mang sắc màu huyền nhiệm mà có lẽ nó quý hiếm vì những phẩm chất tuyệt vời của nó. Cây sinh trưởng tốt cao chừng 125 cm, đẻ nhánh khỏe, bông to, dài 22 cm, mỗi bông có 117 hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, đạt 29 – 30 tạ/1 héc ta. ưu điểm vượt trội của giống lúa này chính là khả năng chịu hạn, chịu thâm canh tốt, lại ít bị sâu bệnh.

Khi lúa làm rộm thì tuốt lúa về, làm lễ Lò o ng Giơn (cơm mới). Lễ cúng này là lễ cầu cho nặng hạt chắc bông, tuốt sao cho gùi đừng cạn đừng vơi, hạt bằng thúng, nắm bằng bồ. Tuốt lúa xong, người dân sẽ không đưa lúa về ngay, mà phải có nghi lễ rước thần lúa về nhà với nguyện ước thần về cho no ấm hạnh phúc, cầu cho về tới nhà không bị chuột tha, chim cắp. Nhìn bề ngoài, nhiều người nhầm tưởng Ra dư là gạo lức của người miền xuôi. Nhưng phải quan sát kỹ mới thấy được hạt gạo Ra Dư có màu tím, thon và dài hơn đặc biệt hạt gạo chắc không bị vỡ thành nhiều đoạn.

Gạo Ra Dư được đưa về nhà, cất kỹ trên một nơi cao ráo hoặc giã xong thì cho vào gùi để lên tra. Theo nông lịch của người Tà Ôi, Cơ Tu lúc hoa lan nở, chim Prich báo hiệu nắng về, cây cối thay lá mới khí hậu ấm dần là lúc họ vui chơi làm lễ cúng cơm mới.

Lễ cơm mới được tổ chức chừng 2 – 4 ngày. Mâm cúng nhất định phải có thêm một số dé lúa nặng hạt nhất tuốt về dâng các vị thần. Cơm nấu từ gạo Ra Dư có màu hồng thẫm, rất thơm và rất thanh không ngán, không khô. Khi ăn nhai kỹ mới thấy vị ngon ngấm vào đầu lưỡi khiến người được nếm thử cứ nhớ mãi không quên

Ra Dư trong đời sống có những câu hát về tình yêu:
Ôi chúng ta có cái bụng thương nhau
Thương nhiều hơn đá dưới dòng A Sáp
Thương nhiều hơn cột nhà Kopanha đầu làng
Nhớ nhau như nhớ cái rẫy mùa Ra dư trổ bông

Nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa truyền thống khác như khả năng chịu hạn, chịu thâm canh tốt, ít bị sâu bệnh hại, chất lượng gạo ngon, nên Ra Dư được nhiều người ưa chuộng. Giá thành bán cao, bình quân 25.000 đ/kg gạo và 50.000 đ/kg thóc giống. Nếu tính giá thành với 15.000 đ/kg, mỗi 1 ha trồng giống lúa đặc sản Ra Dư bà con nông dân sẽ có thu nhập khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với các giống lúa khác.

Tuy nhiên, một điều đáng buồn là, hiện nay diện tích trồng Ra Dư đang có xu hướng giảm, Ra Dư chưa tìm được đường ra cho mình.
Và một loại gạo tuyệt vời như vậy lại vẫn mãi nằm trong các dự án bảo tồn, mô hình thâm canh nhỏ lẻ mà chưa mấy phát triển. Mãi chỉ có những người từng đến A Lưới say lòng vì Ra Dư của người Tà Ôi mà chưa thấy nhiều trên thị trường nông sản.

Tháng 4, năm 2018, lần đầu tiên Huyện đoàn A Lưới (Tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng lúa Ra Dư cho bà con xã Hương Nguyên – Giống lúa bản địa có phẩm chất vượt trội, là đặc sản quý gắn liền với truyền thuyết về loại “lúa thiêng” chỉ dành cho chàng rể và các lễ hội.

Qua đó, việc xây dựng mô hình lúa Ra Dư có ý nghĩa đặc biệt về việc phát triển giống lúa đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao đồng thời giảm áp lực lên rừng, do lúa Ra Dư trước đây chỉ được trồng trên nương rẫy, nơi lưng chừng núi.
Khóa tập huấn được các chuyên gia của Phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho hơn 20 hộ dân. Từ đó, chuyên gia đã phổ biến các kỹ thuật làm cỏ, làm đất, bón phân, gieo hạt… một cách tỉ mỉ.

Người dân Hương Nguyên trước đây chỉ biết đến lúa Ra Dư trồng trên rẫy, việc đi lại chăm sóc, thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đưa lúa Ra Dư xuống đất màu trồng thí điểm đang được bà con nhiệt tình ủng hộ.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực Bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao La do Quỹ Môi Trường Toàn Cầu tại Việt Nam tài trợ.

Mô hình nhận được sự tham gia hưởng ứng của 25 hộ dân. Các chị, các mế, các anh ra ruộng màu trỉa những hạt giống Ra Dư ngay gần bên làng bản mắt vui hấp háy. Ra Dư cùng sống trong đời sống tinh thần của người dân không chỉ là truyền thuyết về loại gạo dành cho chàng rể Pút mà còn là loại gạo gieo trong lòng người dân hi vọng khả năng thay đổi cuộc sống khó khăn của người dân Hương Nguyên, xã được xem là vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi A Lưới nằm ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Cái lúa, cái Ra Dư quen sống trên nương trên rẫy. Về dưới bản làng tụi tui ái ngại lắm. Không biết, lúa thiêng có sống nổi không, bông nặng hạt không. Nhưng có cán bộ nông nghiệp, cán bộ dự án hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật tôi nghĩ Ra Dư sẽ lớn lên và thơm hơn bếp cùng cơm mới Lò òng Giơn tháng 10 âm lịch tới”, Chị Đến người dân thôn Tù Mú Tà Rá nói với tôi khi đang làm cỏ cho Ra Dư.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN